
Tình huống 1: Bà chủ chuỗi 14 shop thời trang Việt vẫn trụ vững giữa bão Covid-19
GVC.TS. Phạm Hương Thảo đặt câu hỏi tình huống như sau:
Bà chủ chuỗi 14 shop thời trang Việt vẫn trụ vững giữa bão Covid-19
Giữa bão Covid-19, không ít ngành hàng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi người tiêu dùng hạn chế ra ngoài và cắt giảm chi tiêu. Thậm chí nhiều đơn vị kinh doanh đã phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, Real Clothes – một thương hiệu thời trang Việt vẫn đang sống khỏe giữa đại dịch nhờ những nền móng vững chắc từ ban đầu và các chính sách đối phó thiết thực.
Nữ sáng lập Thảo Hồ cho biết, chị mở cửa chi nhánh đầu tiên năm 2012 trong một con hẻm trên đường Lê Thị Riêng (TPHCM). Sau 3 năm, chị có thêm chi nhánh thứ 2, một cửa hàng ngoài mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1. Hiện Real có 14 chi nhánh sau 8 năm gây dựng. Định hướng của 2020 là sẽ chỉ mở 1-2 chi nhánh trong nội thành TPHCM, còn lại chủ yếu tập trung vào phát triển đội ngũ, tạo nên một chi nhánh điển hình kiểu mẫu để từ đó có thể nhân rộng trong thời gian sau.
Chính vì phát triển theo hướng chậm và chắc, không đặt áp lực mô hình phải bùng nổ hay tăng trưởng nhanh; bản thân founder cũng là người có phong cách chi tiêu hợp lý, không có nhu cầu tiêu xài quá nhiều cho bản thân nên đến hôm nay, chị Thảo tự tin rằng: “Real không nợ, không thế chấp, không vay vốn”.
“Và vì chậm chắc như vậy nên khi Covid-19 đến, Real vẫn còn khoẻ”, nữ sáng lập thừa nhận.
Thứ hai, thời trang vốn là sản phẩm không thiết yếu, đặc biệt khi sức khỏe và cái chết cận kề. Tuy nhiên, nữ sáng lập Real Clothes cho biết họ khá may mắn khi trong danh mục không cần thiết của ngành thời trang, các sản phẩm Real cung cấp vẫn mang tính chất cơ bản và đời sống: Quần tây đi làm / sơ mi công sở/ áo vest đi nắng hoặc ngồi máy lạnh. Vì vậy, thời gian qua doanh thu dù có giảm so với cùng kỳ các năm trước nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.
Thứ ba, khi doanh thu không tăng mà giảm, các doanh nghiệp đều suy nghĩ tới việc cắt giảm chi phí. Và dưới đây là một số biện pháp thực tế Real đã áp dụng:
1. Cắt giảm các nhân sự không nằm trực tiếp trong bảng lương của công ty.
Hiện số lượng bảo vệ các chi nhánh giảm còn 1/2. Các chi nhánh vẫn còn bảo vệ, thì cắt giảm giờ xuống 1/2. Toàn thể nhân viên cùng đồng lòng “em sẽ xích xe cẩn thận, 2 xích 2 vòng, chị an tâm”
2. Cắt giảm nhân sự tay nghề không cao.
Điều này áp dụng với thợ may tại xưởng. Những nhân viên tay nghề vẫn không cải thiện qua nhiều mùa, còn làm dối, làm ẩu đã bị cắt giảm.
3. Giảm chi phí cố định, trong đó khoản lớn nhất là tiền nhà.
Real khá may mắn khi 9/14 chủ nhà đều đã đồng ý giảm từ 10-20% tiền thuê nhà tối thiểu trong tháng 3 và tháng 4; sau đó tùy tình hình dịch họ sẽ tiếp tục xem xét.
Ngoài ra, hiện tại, trên cùng một cung đường, có những nơi đang cho thuê mặt bằng với giá khá rẻ so với giá thuê của Real. Vì vậy chị Thảo đang xem xét sẽ đổi 2 địa điểm. Dù mất tiền cọc cho nơi thuê hiện tại nhưng vẫn tiết kiệm được rất nhiều chi phí nếu tính trên giá trị hợp đồng là 3 – 4 năm
4. Giảm tiền điện và các chi phí không cần thiết khác.
Ở Real, bình thường vẫn có nhân viên bị phạt vì quên tắt máy lạnh qua đêm, nhưng thời gian này mọi người đều chú ý ra vào toilet đều tắt đèn, máy lạnh sử dụng hợp lý.
Các chi phí cho máy tinh dầu thơm trong shop hay giấy hút ẩm khi gói đồ online cũng bị cắt giảm vì không cần thiết trong trong thời điểm hiện tại. “Khi mình tiết kiệm những cái nhỏ, nhân viên sẽ hiểu được tình hình và thông điệp mình muốn hướng tới”, chị Thảo Hồ nhận định.
5. Tìm nhà cung cấp mới.
Thường khi làm việc với một nhà cung cấp lâu năm, mỗi lần báo giá đối tác sẽ nói “chị lấy em như giá cũ”. Câu này cũng có nghĩa tương đương “Chị không tăng giá, vì chúng ta đã quen biết nhau từ lâu”.
Tuy nhiên tuần vừa rồi, khi nhân viên Real Clothes tìm đến nhà cung cấp mới để đặt hàng, thì cùng sản phẩm là nhãn tag áo, cùng chất lượng, giá thành chỉ còn 1/2. Áp dụng với túi giấy/ hộp giấy online/ túi nhựa,… chỉ với việc tìm nhà cung cấp mới, tuần rồi Real đã giảm được 1/2 chi phí so với bình thường.
Dù khủng hoảng khiến doanh thu ảnh hưởng nhưng theo chị Thảo Hồ, đây cũng là cơ hội để nhân viên thật sự thấm thía tầm quan trọng của khách hàng, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung của công ty.
Câu hỏi thảo luận:
1. Trong bối cảnh đại dịch covid 19, doanh nghiệp Real Clothes gặp những thời cơ và thách thức gì? Tại sao doanh nghiệp này lại “trụ vững” được?
Góc nhìn của Vinh:
Do môi trường tự nhiên tác động, cụ thể là đại dịch Covid19, Doanh nghiệp đã gặp những thách thức như sau:
- Đặc tính của môi trường cạnh tranh ngành. Sản phẩm thời trang không phải là thiết yếu quan trọng. Nêu nguồn doanh thu bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các chi phí lương, thuê mặt bằng, tái chính sẽ áp lực lên doanh nghiệp.
- Các đối thủ cạnh tranh có xu hướng bán lỗ, hạ giá để tìm kiếm doanh thu
- Lượng người mất việc làm, chuyển sang kinh doanh online nhỏ lẻ cũng là một trong những đối thủ tiềm ẩn
- Người tiêu dùng sẽ thắc chặc chi tiêu, hạn chế mua sắm.
Tuy nhiên, thời điểm khó khăn sẽ mang đến cho công ty những cơ hội mới.
- Điển hình là mặt hàng của công ty là trang phục đơn giản, công sở (quần tây, áo sơ mi…vv) nên công ty vẫn bán được hàng. Đây là cơ hội để công ty đuổi kịp và chiếm lĩnh thị trường từ các đối thủ lớn. Do các công ty lớn, sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thay đổi thích nghi.
- Là cơ hội để công ty tập trung hệ thống lại đội ngũ nhân sự. Nâng cao chuyên môn. Dễ săn được người tài từ các công ty ngừng hoạt động.
- Môi trường chính trị, phát luật cũng tạo điều kiện. Phần nào được giãn thuế, nợ thuế cho các doanh nghiệp khó khăn.
- Cũng là cơ hội để tìm kiếm thêm các đối tác nhập hàng mới. Do rất nhiều nhà sản xuẩt trước đây chỉ là xuất khẩu. Nay chuyển sang nội địa. Làm cho chất lượng sản phẩm được tốt hơn.
- Có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ. Ưu đãi về thuế. Tạo điều kiện phát triển mạnh trong trong tương lai sau dịch.
2. Theo bạn có phải khi nào môi trường kinh doanh thuận lợi cũng có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi nào môi trường kinh doanh thách thức cũng mang đến tác động tiêu cực đến HĐKD của doanh nghiệp?
Góc nhìn của Vinh:
Chưa hoàn toàn đúng. Đôi khi môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhưng nhà quản lý doanh nghiệp không nhận thức đúng và đủ cơ hội. Thì cũng có thể tác động không có lợi cho doanh nghiệp. Ngược lại trong thách thức vẫn có cơ hội để doanh nghiệp phát triển
3. Nếu là chủ một doanh nghiệp ở bối cảnh này, bạn nghĩ gì và sẽ làm gì?
Các bạn cùng thảo luận cùng Vinh ở phần bình luận nhé. !!!
Trân trọng,
GVC.TS. Phạm Hương Thảo