Bối cảnh quan trọng hơn nội dung liệu có đúng? [Quan điểm]
Nhiều chuyên gia đào tạo cho rằng: Bối cảnh quan trọng hơn nội dung và đưa ra những ý kiến thuyết phục cho các buổi đào tạo.
Và dưới đây là quan điểm của tôi về vấn đề Bối cảnh quan trọng hơn nội dung
“Thương cho roi cho vọt” mang ý nghĩa rằng sự nghiêm khắc và kỷ luật xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn điều tốt đẹp cho người khác. Trong truyền thống giáo dục gia đình Việt Nam, “roi vọt” ở đây được hiểu không phải là bạo lực, mà là sự nghiêm khắc trong cách giáo dục.
Và giả sử một ngày, con cái của mình không cố gắng, không kỷ luật, không học bài, thậm chí là hỗn… Bối cảnh này hoàn toàn có thể tạo ra một nội dung: Dùng roi vọt để dạy dỗ đứa con mà ta yêu thương. Tôi tin rằng, lúc này phần lớn (99%) phụ huynh sẽ tập trung vào phần nội dung mà bỏ qua bối cảnh. Hiển nhiên, lúc này xuất phát từ tình yêu thương con và họ có lý do đúng của mình.
Quay lại sự vụ “Nữ CEO bắn dây thun vào nhân viên”. Tôi vẫn giữ quan điểm, không công kích cá nhân. Quan điểm của tôi dựa trên góc độ truyền thông và đào tạo (vì video này đã trở nên viral).
Trước hết, tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng bối cảnh quan trọng hơn nội dung. Thực tế, bối cảnh luôn đóng vai trò như một khung sườn, tạo nền tảng cho nội dung, giúp định hình cách tiếp cận và truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Khi bối cảnh được đặt đúng, nội dung dù thế nào cũng có thể được điều chỉnh để phù hợp và tạo ra tác động tốt nhất.
Điều này nếu áp dụng trong việc truyền thông marketing: hiểu rõ bối cảnh thị trường, lịch sử thương hiệu, đối tượng người xem, và các yếu tố văn hóa sẽ giúp tạo ra chiến lược nội dung mạnh mẽ hơn. Như CEO này đã chia sẻ trên báo CafeF: “Trong chương trình, có một trò chơi bắn chun nhằm minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh, và trò chơi này đã thực sự chạm đến cảm xúc của mọi người tham gia.” Quả thật, nếu ở trong một bối cảnh cụ thể như khán phòng, chỉ những con người trong đó, họ hiểu họ đang làm gì và truyền tải nội dung gì, thì điều đó đã thành công đối với họ. Tuy nhiên, video đã được quay lại, phát tán ra bên ngoài và trở nên viral. Hiển nhiên, lúc này bối cảnh đã thay đổi. Thay đổi từ khán phòng nhỏ lên không gian mạng, từ nhóm người nội bộ lên cộng đồng rộng lớn.
Kết hợp với lịch sử thương hiệu: Đã từng bị phạt vì kinh doanh mỹ phẩm có chất cấm… Ý nghĩa đằng sau việc phạt, mục đích giáo dục hay thông điệp mà CEO muốn truyền tải, trong bối cảnh này, sẽ dễ bị hiểu lầm hoặc thậm chí gây phản ứng tiêu cực.
Và hậu quả đã rõ, đã có phản ứng tiêu cực xảy ra. Khả năng cao sẽ lại tạo sự chú ý để mở các cuộc điều tra thêm về kinh doanh của thương hiệu này.
Tóm lại, với quan điểm của tôi, khi làm truyền thông, hãy thật sự cẩn trọng cả về bối cảnh và nội dung. Làm đào tạo cũng hãy thật sự tạo ra nội dung giá trị cho người học. Đừng cổ súy cho quan điểm bối cảnh quan trọng hơn và tạo ra hiệu ứng FOMO để lùa học viên nữa.
Còn quan điểm của bạn thế nào? Hãy chia sẻ cho độc giả của Vinh biết nha!