Chuyện 3 chàng Ceo
Dưới đây là bài viết được biên tập bởi anh Nguyễn Hữu Long – Admin của Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt. Nội dung bài viết như sau:
1. CEO thứ 1 được mời về hợp tác. Anh hăm hở lao vào công việc, xin họp cả ngày với chủ tịch và thành viên HĐQT, chuyện trò với từng phòng ban, chi nhánh để tìm hiểu, khảo sát mọi khía cạnh của cty, từ triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, đến chiến lược, mô hình, cơ cấu tổ chức, năng lực cán bộ, hệ thống quản lý, kế hoạch kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp…
Sau đó anh tổ chức một cuộc họp cấp cao, trình bày các phân tích, đánh giá bên trong, bên ngoài, và đệ trình một kế hoạch tổng thể 3 năm, kèm theo một kế hoạch chi tiết cho năm đầu tiên và một kế hoạch chi tiết hơn nữa cho 3 tháng gần nhất. Kế hoạch được duyệt, anh hăm hở triển khai các đầu việc, trong đó có nhiều đầu việc liên quan đến “thượng tầng kiến trúc” cty như triết lý KD, sứ mệnh, tầm nhìn, GTCL, chiến lược, MHKD, và nhiều đầu việc liên quan đế “hạ tầng cơ sở” như hệ thống quản lý, quy chế, quy định, quy trình, mô tả công việc, cơ chế phân quyền, ủy quyền, hệ thống kế hoạch, hệ thống báo cáo, phương pháp, công cụ quản lý…
Các bộ phận bắt đầu làm việc theo cung cách mới, có mục tiêu, thước đo (KPIs) rõ ràng, có kế hoạch cụ thể và có báo cáo định kỳ và theo đúng các quy trình chuẩn (SOP) được xây dựng. Anh cũng “quyết tâm và quyết liệt” đưa ra nhiều phương pháp và công cụ quản lý để huấn luyện cho mọi người áp dụng. Không ai phản bác cả, nhưng việc triển khai thì gặp trở ngại và trì trệ. Một số cán bộ quản lý “lão làng” ở công ty đã quen với kiểu làm việc cũ (tà tà, từ từ, không có tiêu chí đánh giá, không có mục tiêu, kế hoạch hay báo cáo gì cả…) nên không muốn thay đổi. Họ cứ ì ra, chậm chạp, lề mề, bất hợp tác, rồi tìm cách sàm tấu chê bai với ông, bà chủ để tìm cách loại anh ra. Chỉ sau 1 năm, dù vẫn được ông bà chủ ủng hộ, và dù đã cố kiên nhẫn, mềm mỏng, và cũng đã làm được khá nhiều việc, nhưng tiến độ không được như ý vì lực cản quá nhiều. Quá nản lòng, anh xin chia tay.
2. CEO thứ 2 được mời về. Anh này khôn khéo hơn, chịu khó nghe ngóng, phán đoán và tìm cách lấy lòng hết cỡ ông bà chủ. Triển khai việc gì, anh cũng thăm dò ý kiến ông bà chủ trước, nếu cả hai cùng ủng hộ thì anh mạnh dạn triển khai. Nếu một trong hai người còn lừng khừng thì anh bỏ qua. Anh rất được lòng ông, bà chủ, và thường cậy thế ông bà chủ để uy hiếp cấp dưới. Nhưng cấp dưới thì lại không thích anh, không muốn hợp tác với anh. Anh trụ được một năm rưỡi rồi cũng buộc phải ra đi.
3. CEO thứ 3 về. Anh này không làm gì nhiều, ngoài cái việc là cố gắng không làm mất lòng ai. Đối với ông bà chủ và những cán bộ chủ chốt có vai vế cũ, anh luôn tìm cách gần gũi, thân thiết, thể hiện sự kính trọng, yêu mến, ca ngợi công lao của họ. Anh không thay đổi gì về hệ thống hay phương pháp quản lý của cty, cũng không đề xuất gì có tính đột phá. Mọi việc cứ bình bình diễn ra y như cũ, và ai cũng khen anh hòa đồng, thân thiện, vui vẻ. Tuy vậy, sau 3 năm, chẳng đem lại kết quả gì, cty chỉ thêm trì trệ và đi xuống, anh cũng ra đi.
Có vẻ như kết cục của 3 anh CEO này đếu giống nhau; nhưng thật ra, khác nhau là ở chỗ:
– CEO thứ nhất ra đi, để lại một di sản khổng lồ về đường hướng chiến lược, hệ thống, quy trình, phương pháp, công cụ, mà sau này công ty tận dụng triệt để đến tận bây giờ. Và mỗi khi triển khai, người ta lại nhắc đến tên anh.
– CEO thứ 2 ra đi, để lại các mối quan hệ tình cảm với ông bà chủ, và chỉ có thế.
– CEO thứ 3 ra đi, để lại quan hệ tình cảm với tất cả mọi người, không mất lòng một ai, và chỉ có thế!
Nếu chỉ được chọn 1 trong 3 CEO trên, bạn sẽ chọn CEO nào? Tại sao? Hãy giả định tình huống diễn ra đúng y như vậy, không có chuyện nếu…, thêm bớt, hay kết hợp gì cả!
* PS: Việc bạn chọn ai sẽ cho thấy bạn thuộc tuýp người nào (nhớ là không có đúng/sai ở đây nhé!)
Long Nguyen Huu
Leave A Reply
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.
1 Comment
CEO thứ 1 được mời về hợp tác. Anh hăm hở lao vào công việc, xin họp cả ngày với chủ tịch và thành viên HĐQT, chuyện trò với từng phòng ban, chi nhánh để tìm hiểu, khảo sát mọi khía cạnh của cty, từ triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, đến chiến lược, mô hình, cơ cấu tổ chức, năng lực cán bộ, hệ thống quản lý, kế hoạch kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp…